image banner
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống bạo lực học đường
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống bạo lực học đường

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống bạo lực học đường

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị về Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên. Theo đó, thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục, công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh, an toàn trường học đã được ngành giáo dục, các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên vẫn còn diễn biến phức tạp. Hình thức bạo lực ngày càng đa dạng, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Thực trạng trên gây tác động tiêu cực đến thể chất, tinh thần, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ, làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục và gây lo lắng trong nhân dân.

Nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại, tăng cường hiệu quả phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Bộ Giáo dục và Đào tạo: (1) Tiếp tục quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định, nhiệm vụ, giải pháp về công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; phòng ngừa tội phạm, phòng chống vi phạm pháp luật; giáo dục đạo đức, lối sống; văn hóa ứng xử, kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên; (2) Phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh truyền thông, phổ biến, nhân rộng các mô hình phối hợp hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh, sinh viên; triển khai hoạt động tư vấn tâm lý và công tác xã hội trường học. Xây dựng tài liệu và triển khai các hoạt động giáo dục phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội phù hợp với các cấp học; (3) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục kỹ năng sống; tăng cường tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về kỹ năng ứng xử với mạng xã hội liên quan đến bạo lực học đường; tăng cường kỹ năng xử lý các tình huống có liên quan tới việc phát sinh bạo lực học đường; xây dựng và đồng bộ hoá hệ thống dữ liệu quản lý thông tin người học để theo dõi, kịp thời tiếp nhận thông tin, phối hợp xử lý các hành vi bạo lực học đường liên quan đến trẻ em, học sinh, sinh viên.

Bộ Công an chỉ đạo: (1) Tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội tại khu vực trường học; (2) Phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, các hành vi ngược đãi, bạo lực, xâm hại đối với trẻ em, học sinh, sinh viên; (3) Phối hợp điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc liên quan đến học sinh, sinh viên mắc tệ nạn xã hội hoặc có hành vi phạm tội đảm bảo an toàn và mang tính giáo dục; (4) Rà soát, phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm hành vi sử dụng trái phép chất ma túy tại trường học, trong các quán bar, karaoke, vũ trường; triệt phá các điểm, tụ điểm tổ chức sử dụng ma túy.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: (1) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai các giải pháp phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên; (2) Chủ trì, phối hợp xây dựng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, các chương trình, kế hoạch về bảo vệ trẻ em; tăng cường sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại, tội phạm, tệ nạn xã hội liên quan đến trẻ em.

Các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Y tế; Tài chính: Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cha mẹ học sinh và các lực lượng toàn xã hội về việc phối hợp cùng nhà trường trong phòng, chống bạo lực học đường, tội phạm, tệ nạn xã hội đối với trẻ em, học sinh, sinh viên. Kiểm soát, sàng lọc các phim ảnh có nội dung bạo lực trong học sinh, sinh viên để tránh ảnh hưởng tiêu cực. Tăng cường kiểm soát các luồng thông tin không chính thống có tính chất kích động bạo lực, lôi kéo tham gia hành vi phạm tội và các tệ nạn xã hội. Bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tâm lý, phòng chống dịch bệnh cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Cân đối ngân sách để thực hiện công tác quản lý, chỉ đạo, phối hợp giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên theo quy định.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: (1) Rà soát sửa đổi, bổ sung, ban hành Quy chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên phù hợp với thực tiễn; tăng cường quản lý, tuyên truyền vận động các cơ sở kinh doanh lưu trú cho học sinh, sinh viên làm tốt công tác phối hợp quản lý học sinh, sinh viên trên địa bàn; (2) Bố trí kinh phí và các nguồn lực cần thiết để bảo đảm thực hiện công tác quản lý, chỉ đạo, phối hợp giữa các cấp chính quyền, nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội nhằm giáo dục và bảo vệ trẻ em, học sinh, sinh viên; (3) Khai thác, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, xây dựng môi trường sống trong cộng đồng và môi trường văn hóa học đường xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện, đảm bảo đầy đủ điều kiện nhằm tăng cường hoạt động thể chất, văn hóa, giải trí lành mạnh cho trẻ em, học sinh, sinh viên; (4) Quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường thực hiện công tác giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa học đường, kỹ năng sống, công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội, phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội đối với trẻ em, học sinh, sinh viên. Chỉ đạo xây dựng, triển khai thí điểm và nhân rộng mô hình phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, tội phạm, tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên tại địa phương./.

Ảnh minh họa:

anh tin bai
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập